Hướng dẫn chi tiết quy trình phúc khảo bài thi THPT QG 2025
Phúc khảo thi tốt nghiệp THPT 2025 là quyền lợi chính đáng của thí sinh khi có nghi ngờ về điểm số sau khi công bố kết quả. Năm nay, thời gian tiếp nhận đơn phúc khảo sẽ kéo dài 10 ngày, tính từ ngày công bố điểm thi, tức từ 16/7 đến hết ngày 25/7/2025.

Phúc khảo bài thi chính là cơ hội để thí sinh đảm bảo cơ hội và "lội ngược dòng" nếu thấy có sự nghi ngờ và điểm số sau công bố chưa phản ánh đúng năng lực thực tế của bản thân.
(Nguồn ảnh: Internet)
Căn cứ tại Phụ lục I ban hành kèm theo Công văn 1239/BGDĐT-QLCL năm 2025 có hướng dẫn phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT 2025 chi tiết như sau:
1. Thời gian, địa điểm thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT 2025
- Thời gian: Từ ngày 16/7 đến hết ngày 25/7/2025.
- Địa điểm nộp đơn phúc khảo: Nơi đăng ký dự thi.
2. Mẫu đơn phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT 2025
Các em có thể tải mẫu đơn phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại đây: mau-don-de-nghi-phuc-khao-bai-thi-thpt-quoc-gia-2025.docx
3. Những lưu ý phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT 2025
Mốc thời gian tiến hành phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT 2025:
+ Chuyển dữ liệu phúc khảo cho Hội đồng thi: Hoàn thành chậm nhất ngày 26/7/2025;
+ Tổ chức phúc khảo bài thi: Hoàn thành chậm nhất ngày 03/8/2025;
+ Xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo: Chậm nhất ngày 08/8/2025;
+ Gửi danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT về Bộ GDĐT (qua Văn phòng Bộ): Chậm nhất ngày 15/8/2025.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1, 2 Điều 37 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT nêu rõ:
+ Mọi thí sinh đều có quyền được phúc khảo bài thi; thí sinh nộp đơn phúc khảo tại nơi đăng ký dự thi.
+ Nơi thí sinh đăng ký dự thi nhận đơn phúc khảo của thí sinh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi và chuyển dữ liệu thí sinh có đơn phúc khảo bài thi đến Hội đồng thi.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, Hội đồng thi phải công bố và thông báo kết quả phúc khảo cho thí sinh.
Lưu ý, điểm phúc khảo sẽ là điểm chính thức, dù điểm sau phúc khảo tăng hay giảm, đó cũng sẽ là điểm cuối cùng của thí sinh cho môn thi đó.
(Nguồn ảnh: PM)
4. Các bài thi được phúc khảo sẽ chấm như thế nào?
4.1. Đối với bài thi tự luận
Đối với bài thi tự luận, thường là môn Ngữ văn, quy trình phúc khảo diễn ra nghiêm ngặt. Sau khi tiếp nhận danh sách, Ban thư ký sẽ tra cứu số báo danh để xác định số phách, đối chiếu với phiếu thu bài và rút bài làm để đưa vào chấm lại.
Mỗi bài thi tự luận sẽ được chấm lại bởi hai giám khảo độc lập, sử dụng bút mực có màu khác với lần chấm đầu tiên để đảm bảo rõ ràng trong nhận diện. Trong trường hợp hai giám khảo chấm lại cho kết quả trùng nhau, điểm số này sẽ được công nhận là điểm chính thức.
Nếu có chênh lệch điểm giữa hai giám khảo, bài thi sẽ được giao cho một giám khảo thứ ba chấm lại. Nếu hai trong ba giám khảo cho điểm giống nhau, kết quả đó sẽ được lấy làm điểm phúc khảo. Trường hợp cả ba giám khảo đều chấm lệch nhau, sẽ tính trung bình cộng của ba kết quả, làm tròn đến hai chữ số thập phân để xác định điểm cuối cùng.
Một điểm đáng chú ý là nếu điểm phúc khảo chênh lệch từ 0,25 điểm trở lên so với điểm ban đầu, thí sinh sẽ được điều chỉnh điểm. Trường hợp chênh lệch từ 0,5 điểm trở lên, Hội đồng thi sẽ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa giám khảo chấm đợt đầu và giám khảo phúc khảo để làm rõ nguyên nhân, đồng thời lập biên bản ghi nhận, đảm bảo tính minh bạch.
4.2. Đối với bài thi trắc nghiệm
Khác với tự luận, các bài thi trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm nên việc phúc khảo sẽ tập trung vào kiểm tra tính chính xác trong quá trình quét và nhận dạng phiếu trả lời.
Tổ phúc khảo sẽ nhập danh sách thí sinh cần phúc khảo vào phần mềm, sau đó đối chiếu lại từng câu trả lời của thí sinh với hình ảnh gốc đã quét và lưu trữ. Nếu phát hiện sai lệch do lỗi kỹ thuật, sẽ tiến hành chỉnh sửa và in kết quả trước và sau phúc khảo để lưu hồ sơ.
Dữ liệu sau khi phúc khảo sẽ được ghi vào hai đĩa CD giống nhau, niêm phong dưới sự giám sát của Tổ giám sát và lực lượng Công an. Quy trình này được thực hiện công khai, liên tục, có biên bản và chữ ký xác nhận của lãnh đạo Ban phúc khảo.
(Nguồn ảnh: Internet)
Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phúc khảo, chỉ nên phúc khảo khi các em thực sự cảm thấy điểm số có sự bất thường hoặc thấp hơn nhiều so với dự kiến và năng lực của mình. Và nếu có căn cứ nghi ngờ hãy mạnh dạn nộp đơn. Thí sinh và phụ huynh cũng cần nắm vững các mốc thời gian, quy trình cũng như quy định cụ thể để có thể thực hiện quyền lợi của mình một cách chính xác.